Đừng để enzyme “buồn tủi” ra đi
2022-12-11T08:00:53-05:00 2022-12-11T08:00:53-05:00 https://enzyme.vn/cau-chuyen-ve-enzyme/dung-de-enzyme-buon-tui-ra-di-37.html https://enzyme.vn/uploads/news/2022_12/dung-de-enzyme-buon-tui-ra-di.jpgEnzyme (men) là những hợp chất protein rất cần thiết cho cơ thể, giúp thực hiện các quá trình tiêu hóa, chuyển hóa, sử dụng năng lượng và một loạt chức năng khác. Sự thiếu hụt enzyme thường xảy ra khi chúng ta bước vào tuổi “xế chiều”, dẫn đến hàng loạt triệu chứng dở khóc dở cười mà khổ nhất là hiện tượng mệt mỏi.
Có bao nhiêu loại enzyme?
Enzyme là những chất xúc tác cho các phản ứng sinh hóa diễn ra trong cơ thể. Chúng giúp cơ thể phá vỡ, xây dựng và tái thiết một loạt hợp chất hóa học trong cơ thể. Những enzyme chính mà cơ thể chúng ta tạo ra bao gồm các loại enzyme tiêu hóa và enzyme cần cho sự chuyển hóa. Các loại enzyme tiêu hóa hiện diện trong bộ máy tiêu hóa nhằm giúp cơ thể tiêu hóa thực phẩm. Trong khi đó, các loại enzyme chuyển hóa giúp cơ thể tổng hợp và sử dụng năng lượng. Những năng lượng này rất quan trọng cho cơ thể vì chúng giúp chúng ta suy nghĩ, hít thở, chuyển động... Trong cơ thể, enzyme được tạo ra từ một số dạng tế bào và quá trình này đòi hỏi một số năng lượng nhất định.
Thiếu hụt enzyme, cơ thể báo động
Sự thiếu hụt các loại enzyme tiêu hóa sẽ làm giảm hoặc vô hiệu hóa sự phân giải thực phẩm thành những loại đường đơn, các amino acid và các axít béo vốn có nhiệm vụ tạo năng lượng cho cơ thể và mang lại cho chúng ta cảm giác căng tràn sức sống. Những loại thực phẩm ăn sống như trái cây, rau cải có chứa sẵn enzyme của riêng chúng và khi vào cơ thể, bằng động tác nhai, các enzyme này sẽ được “kích hoạt”. Cũng vì vậy mà những thực phẩm này tiêu hao các loại enzyme tiêu hóa của cơ thể ít hơn, giúp cơ thể tiết kiệm được năng lượng. Trong một nghiên cứu được xuất bản trong chuyên san “Medical Hypotheses” năm 2000, các nhà khoa học Hà Lan đã phát hiện sự thiếu hụt enzyme sẽ gây ra các triệu chứng mệt mỏi kinh niên và đề nghị những bệnh nhân mắc triệu chứng này cần phải được xét nghiệm, chẩn đoán để xem họ có bị thiếu hụt enzyme hay không.
Rèn luyện thân thể thường xuyên là một trong những cách bảo vệ enzyme Ảnh: Tấn Thạnh
Ngoài tình trạng mệt mỏi kinh niên, sự thiếu hụt enzyme còn dẫn đến những hệ lụy khác cho sức khỏe, như chứng trào ngược dạ dày thực quản, khó tiêu, đầy hơi, táo bón, nhức đầu, các rối loạn về ruột, xơ vữa động mạch, cholesterol cao, yếu cơ và nguy hiểm nhất là sự suy giảm chức năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.
Sao enzyme không cánh mà bay?
Theo các nhà nghiên cứu y học, mức độ sản xuất enzyme sẽ suy giảm mỗi năm 1% và quá trình sản xuất đòi hỏi cơ thể phải tiêu hao năng lượng. Lượng enzyme được sản xuất cũng phụ thuộc vào sự cân bằng axít - kiềm trong cơ thể (giá trị pH) và suy giảm đáng kể theo thời gian.
Trong cuộc sống của thời công nghiệp ngày nay, thực phẩm mà chúng ta đưa vào cơ thể đã mất đi một số enzyme quý giá. Thực phẩm nướng, chiên ở nhiệt độ cao hoặc luộc quá chín khiến cho lượng enzyme bị thất thoát; thực phẩm nấu nướng trong lò vi sóng (microwave) cũng làm “hao gầy” enzyme tự nhiên; enzyme trong cơ thể còn bị suy giảm bởi những những yếu tố khác như cuộc sống căng thẳng, môi trường độc hại, rượu bia, khói thuốc...
Để bảo đảm enzyme không bị “rút ruột”, sẽ không có khuyến cáo nào tốt hơn là chú trọng việc ăn uống, không rượu bia thái quá, đừng sa đà vào khói thuốc, tránh căng thẳng quá độ, rèn luyện thân thể thường xuyên. Chỉ cần một thay đổi nhỏ trong lối sống, bạn có thể “bảo tồn” lượng enzyme cần thiết cho cơ thể. Một thay đổi nhỏ nhưng lợi ích vô biên, chẳng khác nào đem vài ba trái ớt hiểm đi đổi cả núi hồ tiêu!
Tác giả: admin
Nguồn tin: nld.com.vn