Phát hiện 1 loại enzyme trong thuốc hiện có mở ra hy vọng điều trị bệnh bạch cầu ở trẻ em

Thứ tư - 07/12/2022 08:03
Mới đây, các nhà khoa học cho biết, một loại enzyme TET2 thường bị ảnh hưởng bởi các đột biến trong bệnh bạch cầu, đã mở ra hướng mới trong việc tìm kiếm các thuốc trị bệnh này...

Phát hiện ra gen gây bệnh bạch cầu ở trẻ em

Một nghiên cứu mới từ Đại học Linköping (Thụy Điển) cho thấy, gen ức chế khối u TET2 bị bất hoạt trong phần lớn các trường hợp mắc bệnh bạch cầu cấp tính dòng tế bào lympho (ALL) ở trẻ em. Gen này có thể được tái kích hoạt lại bằng một loại thuốc điều trị hiện có mang tên 5-azacytidine. 

Kết quả được công bố trên tạp chí khoa học PNAS cho thấy 5-azacytidine có thể được dùng như một liệu pháp nhắm mục tiêu trong điều trị bạch cầu cấp tính dòng lympho ở trẻ em.

Thuốc hiện có mở ra hy vọng trong điều trị bệnh bạch cầu ở trẻ em - Ảnh 2.

Bệnh bạch cầu trẻ em thường găp ở lứa tuổi từ 1-4.

Theo GS.Colm Nestor, giảng viên cao cấp tại Khoa Y sinh lâm sàng, Đại học Linköping, trưởng nhóm nghiên cứu: Bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính tế bào T (T-ALL) là một căn bệnh nguy hiểm đối với trẻ em và có thể cướp đi mạng sống của 1 trong số 5 trẻ mắc căn bệnh quái ác này.

Mục tiêu cuối cùng của nghiên cứu là đảm bảo rằng tất cả trẻ em đều có cơ hội được chữa khỏi bệnh. Khám phá này mở đường cho các nghiên cứu lâm sàng về thuốc 5-azacytidine, được xem như một liệu pháp mới cho căn bệnh vẫn chưa được hiểu rõ này.

Mỗi tế bào bình thường sẽ đảm nhiệm một chức năng nào đó trong cơ thể. Ví dụ như tế bào gan, tế bào não hay tế bào của hệ thống miễn dịch có những chức năng riêng. Còn các tế bào ung thư có thể sẽ mất đi chức năng vốn có của nó.

Một trong những lý do cho sự mất nhận dạng này là các gen đáng lẽ hoạt động trong một loại tế bào nhất định đã bị bất hoạt, trong khi các gen khác lại bị kích hoạt sai. 

Việc kích hoạt và vô hiệu hóa các gen được kiểm soát bởi một quá trình được gọi là sự cải biên những gen của di truyền biểu sinh, trong đó các nhóm hóa học nhỏ được gắn vào hay bị loại bỏ khỏi DNA, ví dụ như quá trình methyl hóa DNA.

Từ lâu, người ta đã phát hiện ra rằng mô hình methyl hóa DNA thường bị thay đổi trong các tế bào ung thư. Và vì lý do này, những loại thuốc làm thay đổi DNA-methyl hóa là phương pháp điều trị tiềm năng cho bệnh ung thư.

Trong nghiên cứu nói trên, các nhà khoa học quan tâm đến một loại enzyme tên là TET2, có khả năng loại bỏ các nhóm methyl khỏi DNA. Gen mã hóa cho enzyme TET2 thường bị ảnh hưởng bởi các đột biến trong bệnh bạch cầu ở người trưởng thành. Ngược lại, các đột biến có hại trên TET2 lại rất hiếm gặp trong bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính tế bào T (T-ALL) ở trẻ em.

Thuốc hiện có mở ra hy vọng trong điều trị bệnh bạch cầu ở trẻ em - Ảnh 4.

Nhiều trẻ em mắc bệnh bạch cầu cần có thuốc điều trị hiệu quả.

Điều này khiến các nhà nghiên cứu suy đoán liệu chức năng của TET2 có bị ảnh hưởng theo một cách khác trong bệnh bạch cầu ở trẻ em hay không. Từ đó, họ tiến hành phân tích các kiểu biểu hiện gen trong tế bào ung thư của hơn 300 bệnh nhân mắc bệnh T-ALL và nhận thấy rằng gen TET2 bị bất hoạt trong quá trình methyl hóa ở phần lớn các trường hợp.

Hướng mới trong điều trị

Từ phát hiện này, các nhà khoa học quyết định xử lý các tế bào khối u trong môi trường nuôi cấy bằng 5-azacytidine, thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính, nhằm loại bỏ các nhóm methyl khỏi DNA.

Vì 5-azacytidine đã được phê duyệt là thuốc điều trị bệnh, các nhà nghiên cứu hy vọng rằng con đường từ kết quả tiền lâm sàng để có thể thực sự áp dụng trên đối tượng trẻ em mắc T-ALL sẽ ngắn hơn nhiều so với khi phát triển một loại thuốc mới hoàn toàn.

Tuy các tác nhân hóa trị liệu được sử dụng rộng rãi cho nhiều bệnh nhân, chúng cũng giết chết các tế bào khỏe mạnh của cơ thể và gây ra các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng. Liệu pháp nhắm mục tiêu chỉ có tác dụng với một phần nhỏ của cơ thể, nhưng lại vô cùng đặc hiệu. Do vậy, cần tập trung nghiên cứu những loại thuốc nhắm đích này để điều trị cho bệnh nhân hay tái phát và không đáp ứng với hóa trị.

Do nghiên cứu vẫn đang ở giai đoạn đầu, các nhà khoa học của Đại học Linköping vẫn tiếp tục tiến hành các thí nghiệm để xác định tác động của việc kích hoạt enzyme TET2 trên các tế bào ung thư này. 

Một câu hỏi đặt ra là liệu 5-azacytidine có thể hoạt động như một liệu pháp nhắm mục tiêu trong các loại ung thư khác hay không. Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng khám phá của họ sẽ truyền cảm hứng cho các nhà khoa học thực hiện các thử nghiệm lâm sàng khác.

 
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://enzyme.vn là vi phạm bản quyền

Tác giả: admin

Nguồn tin: suckhoedoisong.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây